tiểu sử  |   hình ảnh  |   dĩa nhạc  |   lời nhạc  |   tin tức  |   báo chí  |   đầu trang

Những 'Bản Sao' May Mắn

Có những ca sĩ thoạt đầu tưởng như chỉ nhắc nhớ lại hình ảnh ai đó nhưng lại trở thành ngôi sao của hiện tại, có người trở thành bản sao của người khác chỉ để thoả mãn thị hiếu...

´ ...đến 'hiện tượng Quang Dũng...'

Khác với Ánh Tuyết xuất hiện kịp đón đầu sự trở lại của dòng tiền chiến để từ đó thăng hoa, Quang Dũng nổi lên là để đáp ứng nhu cầu được nghe một nam ca sĩ hát giống Tuấn Ngọc. Dù Tuấn Ngọc chưa từng trình diễn trên sân khấu trong nước từ sau năm 1975 nhưng ảnh hưởng của Tuấn Ngọc lên nhiều nam ca sĩ Việt Nam là điều dễ dàng nhận thấy, và số lượng người hâm mộ nam ca sĩ này ở trong nước cũng rất lớn. Có nhiều người ở Việt Nam hát giống Tuấn Ngọc, ngẫu nhiên có mà cố học theo cũng không ít, nhưng Quang Dũng là người may mắn được "chọn" bởi thị hiếu chuộng Tuấn Ngọc, dù Quang Dũng hát không giống Tuấn Ngọc bằng Xuân Phú, nhưng Xuân Phú lại không có ngoại hình sáng sủa bằng Quang Dũng. Quang Dũng được thích cả ở hải ngoại, nơi mà những bản sao của Tuấn Ngọc không ít và cũng có trường hợp thành công, như Nguyên Khang.

Vì chỉ là sản phẩm của thị hiếu nên khó lòng tìm thấy dấu ấn sáng tạo trong những gì Quang Dũng hát. Quang Dũng không có căn bản thanh nhạc cao cường như Ánh Tuyết để có thể dễ dàng thoát khỏi "bản gốc" mà tạo lập dấu ấn riêng. Tuấn Ngọc hát bằng sự trải nghiệm của một người đàn ông cộng với làn hơi rất đặc biệt, đầy, ấm áp và đặc biệt nam tính cùng với lối nhả chữ như chơi, nghe qua thì tưởng thô nhưng lại tinh tế trong từng con chữ. Quang Dũng không có được sự khéo léo ấy cũng như không có được bề dày cảm xúc như Tuấn Ngọc. Nghe qua Quang Dũng hát thì có thể nghĩ đến Tuấn Ngọc, nhưng nghe Tuấn Ngọc thì không thể liên hệ ngược lại. Sự gắng sức của Quang Dũng chỉ là để duy trì mức độ giống nhau càng cao, càng lâu càng tốt, trước khi khán giả kịp chuyển "gu" sang thích một trường phái khác.

Minh Tú
(Theo Giai Điệu Xanh)