tiểu sử  |   hình ảnh  |   dĩa nhạc  |   lời nhạc  |   tin tức  |   báo chí  |   đầu trang

Bão Hòa Âm Nhạc Việt Nam Ở Nước Ngoài

Nhạc trong nước sau thời gian cầm chừng vì bị hải ngoại o ép cuối cùng cũng đã phục hồi và có bước nhảy vọt từ năm 1997 đến nay. Những đĩa nhạc được sản xuất trong nước trước đây chỉ được xách tay hiếm hoi sang các nước giờ đây có mặt đàng hoàng trên các kệ đĩa ở Mỹ, Pháp, úc và được nhập trực tiếp từ các hãng trong nước với số lượng lớn. Có một điều là gu nghe nhạc ở trong nước với hải ngoại khác nhau khá nhiều. Có những giọng ca ở trong nước còn rất ít được biết đến nhưng đã là “sao” ở Cali từ lâu như Ðàm Vĩnh Hưng, Lâm Chí Khanh. Giờ đây những video ca nhạc với sân khấu sặc sỡ, diễn viên Tây Ta nhảy múa quay cuồng của Thuý Nga, Asia không còn hấp dẫn khán giả hải ngoại bằng những hình ảnh quê hương xa vời mà thân thuộc hay những sân khấu đậm màu sắc Việt Nam với những tà áo dài thân thương. Một số hãng đĩa hải ngoại cũng đã tính chuyện về khai thác thị trường trong nước mà đi đầu là Làng Văn (trước liên doanh với hãng phim Giải Phóng thành lập Trung tâm băng nhạc PGP giờ có thương hiệu riêng là Ðông Ðô).

Các ca sĩ hải ngoại về nước ngày càng nhiều. Lớn tuổi có Giao Linh, Hương Lan (gần như về hát hẳn trong nước), Lê Uyên, Tuấn Vũ, Thái Châu... lớp trẻ có Kiều Nga, Ngọc Huệ, Trizzie Phương Trinh, Thanh Hà... và nhiều người khác đã về nhưng vì những lý do khác nhau vẫn chưa đứng hát trên những sân khấu lớn, có thể kể đến Khánh Ly, Thái Hiền, ý Lan, Tuấn Ngọc, Vũ Khanh...

Nhưng sự chững lại của nhạc hải ngoại không hẳn vì lý do bị nhạc trong nước lấn át. Một lớp trẻ sinh ra tại xứ người với những nhu cầu thưởng thức rất khác lớp trước đã làm sinh ra một lớp nghệ sĩ chỉ biết chạy theo những thị hiếu đôi khi rất kỳ quái. Có khá nhiều “ca sĩ” không hề có giọng hát nhưng sexy và biết nhảy múa tức thì được một số hãng tập trung lăng xê thành sao cho kỳ được. Những ca sĩ cỡ như Vina Uyển Mi, Diệp Thanh Thanh, Châu Ngọc... nếu ở trong nước hẳn mãi chỉ là ca sĩ cỡ cà phê vườn. Vì cứ mãi lo chạy theo mà chạy không kịp nên nhanh chóng bị chán, rồi lại một lớp khác...